0946 106 538

Thị trường LED Việt muốn phát triển phải đi từ phân khúc thấp

Tạo ra một thị trường minh bạch, lành mạnh

TS Trần Đình Bắc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chiếu sáng Việt Nam cho biết, điều đáng làm hiện nay là phải tạo ra một thị trường minh bạch, lành mạnh, phát triển bền vững. Để làm được điều này, điều đầu tiên là cần xây dựng đội ngũ các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn bài bản nghiêm túc và được hỗ trợ nâng cao năng lực.

Do có nhiều tiện ích như an toàn, tiết kiệm điện năng nên đèn LED đang ngày càng được áp dụng rộng rãi tại nhà xưởng ở Việt Nam.

“Trong điều kiện cạnh tranh vô cùng khốc liệt, số thực thể cạnh tranh ngày càng lớn, hiện nay đã hơn 200 và còn tăng hơn nữa, có lúc “hàng đàn cá nhỏ rỉa cá lớn”, có lúc “cá lớn nuốt cá bé”, bản thân các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực R&D và làm chủ khâu thiết kế sản phẩm, áp dụng hệ thống quản trị hiện đại, nâng cao trình độ tự động hóa cao và trang bị hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả…”, TS Trần Đình Bắc khẳng định.

Cùng với việc thiết lập sự bài bản, nghiêm túc, cần phải xây dựng các phòng thử nghiệm đánh giá chất lượng đạt chuẩn, đặc biệt được thực nhận kết quả ở các thị trường xuất khẩu rộng lớn. Nhà nước cần sớm đầu tư nhằm kiểm soát thị trường, minh bạch thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu. Chỉ khi có thị trường lớn, xuất khẩu sang các nước tiên tiến, ngành sản xuất LED Việt Nam mới có cơ hội phát triển mạnh.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm lưu hành trên thị trường, xử lý nghiêm khắc các công ty vi phạm quy định về công bố thông tin.

Xác định đúng phân khúc thị trường

Không chỉ làm ăn bài bản, tránh chộp giật, theo các chuyên gia quan trọng nhất là phải xác định được phân khúc thị trường. KS Nguyễn Đoàn Thăng, Phó Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, cho biết hiện trong chuỗi sản xuất sản phẩm chiếu sáng LED được chia làm 3 khu vực: Công nghệ bậc cao gồm sản xuất Wafer, chip LED; công nghệ bậc trung là khâu bao gói LED và công nghệ bậc thấp là lắp ráp các LED bao gói thành các nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng LED.

Theo TS Trần Đình Bắc, công nghệ bậc cao thế giới phát triển rất nhanh và chúng ta sẽ không thể bắt kịp được. Không những thế, công nghệ bậc thượng lưu đòi hỏi trình độ nghiên cứu, công nghệ, vật liệu và nguồn nhân lực cao mà hiện nay Việt Nam chưa có.

Đối với công nghệ bậc trung, theo các chuyên gia một số cơ sở sản xuất, nghiên cứu Việt Nam cũng đã đầu tư một vài dây chuyền hoặc một số thiết bị đơn lẻ, nhưng không thành công hoặc không phát huy được tác dụng. Cạnh tranh trên thị trường LED bao gói vô cùng khó khăn, nhiều rủi ro. Ở Malaysia, Thái Lan cũng đã có nhiều doanh nghiệp bắt đầu đầu tư khâu này. Tuy nhiên, hiện chưa thấy bóng dáng doanh nghiệp Việt Nam nào có đủ khả năng thực hiện.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên tập trung phát triển tốt khâu lắp ráp sản phẩm chiếu sáng (đây là khâu chúng ta có lợi thế). Trong lắp ráp sản phẩm, phấn đấu chuyển từng bước từ công ty sản xuất nguồn sáng LED sang công ty sản xuất thiết bị chiếu sáng và hướng tới công ty cung cấp giải pháp chiếu sáng.

Hiện thế hệ chiếu sáng iLED đang phát triển khá mạnh. Trước mắt các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm phát triển Smart Lighting và tiến tới Smart home. Một số tập đoàn toàn cầu đã nhượng công ty sản xuất chip LED, bao gói LED và chiếu sáng sang lĩnh vực cung cấp giải pháp.

Ngoài ra, cần tiếp cận những thành tựu mới của công nghệ chiếu sáng LED thế giới, nghiên cứu từng bước ứng dụng vào sản phẩm Việt Nam như LED CSP (Chip Scale Package) Wicop (Wafer level Integrated chip on PCB), Driver AC/ IC theo xu hướng tích hợp và nội địa hóa một số linh kiện có lợi thế cạnh tranh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.